Mỗi đợt có người ở quê ra hoặc về quê, tôi thường mang quần áo cũ gửi một số người trong đó. Những bộ đồ vì lỗi mốt hoặc vì một lý do nào đó mà tôi không dùng đến nữa, nhưng vẫn còn tốt, mẹ tôi thường nhắc tôi gửi tặng. Đám giỗ, chị mặc cái áo len khoác màu xanh cũ, tôi từng mặc lúc mới đi làm. Hôm sau gặp chị trong một đám cưới, lại thấy chị với một bộ đồ từng rất quen thuộc với tôi trước đó nhiều năm. Ai cho cái gì mặc cái nấy, tiện gì mặc nấy nên chị không biết là dễ hiểu thôi. Rộng không sao, chật thì cố. Chưa khi nào chị may hay mua quần áo cho mình sao? Tôi thắc mắc. Có chứ, lần cưới, chị trả lời. Ngày đi lấy chồng chị có may một chiếc quần lụa sa tanh và cái áo trắng chấm có viền đăng ten ở cổ. Dăm năm đầu giữ gìn lắm. Nhưng sinh hết đứa nọ tới đứa kia, chà xát nhiều quá nó mỏng dần rồi rách mất. Lần cưới là cách đây 21 năm. 21 năm chị chưa khi nào may quần áo mới. Có gì lạ, khi mà cái ăn hàng ngày, cấp thiết thế mà còn chưa bảo đảm nói chi chuyện áo quần. Chị - điển hình cho người phụ nữ ở quê, những phụ nữ một đời mặc quần áo cũ. Chị làm tôi nhớ bà nội những ngày bà còn sống. Quen với việc không mua sắm áo quần, quen với việc chỉ mặc đồ cũ nên khi về già được con cháu mua cho áo mới bà cũng không mặc. Bà để trong rương, thỉnh thoảng đưa ra ngắm nghía, hoặc khoác vào một lúc lại mang đi giặt, phơi, gấp lại cho vào tủ. Đến ngày tết, khi con cháu về đông đủ bà mới lấy ra mặc. Tâm lý của người nông dân lam lũ lầm lũi nó ăn sâu vào mỗi người phụ nữ ở quê tôi đến cuối cuộc đời. Thúy Hà |